AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Ac Dieu

Co_VN

Ghé Hà Nội:

 

Tính đến năm 2003 là đã 28 năm xa quê hương và 25 năm trả nợ áo cơm ở xứ người.

Vào tuổi 60, tôi quyết định về hưu để dành thì giờ còn lại ngao du sơn thủy… kẻo sợ kéo cày lâu hơn nữa sẽ hết xí quách !

Nơi đầu tiên nhất định phải là Sài Gòn thân yêu của những ngày xưa thân ái …Nhưng vì bà xã vốn sinh trưởng ở Hà Nội, theo bố mẹ xuống tàu há mồm xuôi Nam năm 1954.

Nay muốn trở về nhìn lại mái nhà xưa, nên chúng tôi đồng ý làm một chuyến từ Bắc vào Nam bụi đời bằng xe đò dọc theo con đường xuyên Việt…giao mạng cho mấy bác tài có máu làm anh hùng xa lộ!

Bây giờ trạm đầu tiên lại là Hà Nội, nơi mà trong thời kỳ chiến tranh Quốc Cộng, quân lực VNCH thường mơ ước được đặt chân ra để cứu dân miền Bắc khỏi gông cùm CS nhưng bị người bạn đồng minh chi tiền chi đạn níu tay lại không cho.

Sau khi lãnh tháng lương hưu đầu tiên của hãng và của chính phủ. Gom lại thành một số tiền rủng rỉnh, chúng tôi bèn lấy sức khỏe làm hành trang tạm, mạnh dạn vác ba-lô lên đường… nhẹ bước lãng du.

Phi cơ đã vào không phận Hà Nội nhưng sao lòng tôi không có cái tâm trạng bồi hồi rộn ràng của đứa con đi xa lâu ngày về thăm nhà. Mà thậm chí còn bình thản nếu không muốn nói là tò mò như bay trên một thành phố xa lạ. Thêm vào đó,thỉnh thoảng giật mình nhớn nhác nhìn xuống tưởng như dưới những xóm làng kia đang có những khẩu phòng không nhá lửa bắn mình… giống như thời chinh chiến xa xưa !!!

Từ trên cao nhìn xuống, dưới kia là đồng ruộng và cây cỏ xanh rì bao bọc những làng mạc rải rác quanh con sông Hồng uốn lượn chảy vào Hà thành thấp lè tè cổ kính. Hà Nội cũ kỹ khiêm nhường chứ không sầm uất, rộng lớn, văn minh như Sài Gòn hoa lệ.

Đám hành khách từ xa đến, lần lượt nối đuôi nhau để qua quan thuế VC.

Tên công an xúng xính trong bộ đồ màu xanh lục rộng,gương mặt hốc hác núp dưới cái nón képi to vành trông rất thô kệch và kỳ cục. Hắn quát bảo chúng tôi.

«chị kia vào bên này, anh kia chờ đấy»Tôi nhỏ nhẹ nói với hắn là tụi tôi đi chung với nhau.

-«vậy thì vào cả bên này» hắn hất tay ra lệnh. Giọng điệu của kẻ chiến thắng và tự hào là đỉnh cao trí tuệ loài người.

Chúng tôi đồng ý nhất định không nhét tiền vào passport vì mỗi người chỉ có một valise nhỏ xíu và không mang đồ gì phạm luật, không có đem nhiều tiền thì không việc gì phải sợ mà hối lộ cho chúng. Nếu chúng muốn xét cứ việc xét chứ nhất định không đút tiền!

Tên nhân viên quan thuế lật tới lật lui hai cái passport không thấy đồng dollar nào rớt ra nên mặt hắn đanh lại và lạnh như tiền không thèm nhếch mép trước lời «chào anh» của tôi. Tuy thất vọng nhưng cuối cùng hắn cũng miễn cưỡng để chúng tôi qua với nét mặt băng giá, lầm lì.

Sau khi ra khỏi quan thuế chúng tôi có ý chờ một cặp người VN đi sau bị đưa qua chổ khác khám mãi vẫn chưa thấy ra. Cuối cùng thì cũng gặp lại. Ông chồng có vẽ hậm hực và tiếc rẻ vì có một chai rượu Rémi Martin XO special mang về định tặng cho ông bố mà bị nhân viên quan thuế VC làm khó dễ sao đó… đành để mất chai rượu đắt tiền!

Đêm đầu tiên thật khó mà ngủ cho ngon giấc vì thời giờ khác biệt.

Mới hơn bốn sáng hôm sau là tôi đã thức dậy, nằm thao thức…

Tò mò, muốn biết đời sống của người dân Hà thành lúc trời chưa sáng ra sao, tôi thay đồ xuống đường. Hôm nay, chung quanh hồ Gươm, thiên hạ tụ tập lại từng nhóm nhỏ tùy tuổi tác và phái nam nữ để tập thể dục theo tiếng hô từ các máy nhạc cầm tay. Tôi đi một vòng quanh hồ Gươm nhỏ tí tẹo. Mặt hồ còn lơ lửng sương mù che mờ cái tháp Ruà ở giữa. Chung quanh hồ, cạnh những hàng cây, mấy cụ già đứng kề bên nhau trên bờ vừa nói chuyện vừa giơ tay lên xuống làm những động tác hít thở không khí mát lạnh ban mai …

9-HoGuom.jpg

 

Một cụ ông có lẽ đã trên tám mươi tuổi nhưng trông vẫn còn quắc thước cũng đang làm những động tác thể dục như các cụ kia nhưng lại đứng lẻ loi một mình. Đây là cơ hội tốt để làm quen gợi chuyện nên tôi đến gần cụ, giả vờ quơ tay múa chân như mọi người. Tôi chỉ xuống mặt hồ xanh màu rêu nổi lình bình vài ly giấy, mấy bao ni lông rồi nói với cụ gìa –«thưa bác, tôi đi bên Tàu thấy trên mấy con sông rạch, có những người chèo thuyền đi nhặt rác vừa làm sạch sẽ vừa có công ăn việc làm, tại sao mình không làm như họ mà để hồ dơ như vậy?». Cụ gìa có vẻ ngạc nhiên trước câu hỏi dài giòng và vớ vẩn của tôi.

«Anh từ đâu tới đấy?». Cụ hỏi.

-«Thưa bác tôi từ Sài Gòn ra». Tôi nói khác đi.

-«Thế thì anh không biết gì về mấy người cầm quyền ở đây rồi, bao nhiêu tiền họ ăn hối lộ hết rồi, còn đâu nữa mà tạo việc làm, ai chết mặc ai anh biết không?».

Quá ngạc nhiên trước câu trả lời của cụ chứa đầy bất mãn với chế độ nhưng tôi vẫn phải đề phòng trong lời nói vì biết đâu cụ này là bố của bộ trưỏng bộ công an VC!

Rồi không biết câu chuyện giữa tôi và ông cụ đưa đẩy thế nào mà bỗng nhiên cụ tiết lộ cụ là cựu bộ đội đã giải ngũ từ lâu.

-«Vậy thì trước khi giải ngũ chắc bác là tá hay tướng?». Tôi hỏi

-«Chả có tá tướng gì cả, gia đình tôi là tiểu tư sản nên chúng nó có cho làm chó gì đâu, tôi chỉ là lính bộ đội thôi, em tôi là nhà báo. Vô sản, bần cố nông mới được vào đảng». Ông cụ cay cú trả lời.

-«Thưa bác, bây giờ về hưu chắc bác có lương hưu đủ sống phải không?» Câu hỏi này đã chạm vào niềm ray rức của ông cụ.

Ông có vẻ buồn và trả lời tôi một cách cay đắng:

-« Đủ sống thế nào được, chỉ đủ uống bốn ly cà phê thôi anh ạ!»

Tôi đổi đề tài: -«Vợ tôi là người Bắc di cư năm 54, bây giờ ra thăm lại đây nói là gặp rất ít người Hà Nội ngày xưa, sao kỳ vậy?».

Ông cụ trả lời: «Vợ anh nói đúng đấy, Hà Nội sau 54, toàn là dân các tỉnh khác kéo vào sinh sống … còn dân Hà Nội chính gốc thì một số di cư vào Nam, một số đi ra các vùng khác… tiếng và người Hà Nội mất dần từ đấy»

Bổng ông cụ phán một câu làm tôi bị bất ngờ, bối rối và thẹn thùng không biết ăn nói làm sao.

-« NCK từ nước ngoài về có lên đài nói chuyện, hắn nói nghe được đấy chứ.

Mà sao vợ hắn chả đẹp như lời đồn ấy?».

Tôi hơi chột dạ nghĩ thầm sao ông này chỉ nhìn sơ mà biết tôi là cựu lính không quân VNCH nên hỏi ngay chóc người đã từng là chef lớn của tôi. Nhưng tôi thấy mình lầm, chẳng qua ông nghe mình nói giọng Nam kỳ nên hỏi đại vậy thôi? Ai mà nói những lời tâng bốc bác đảng, nịnh bợ lãnh tụ dĩ nhiên là nghe được quá đi chứ!!! và ông cụ này chắc chắn đã lẫn lộn giữa mấy bà vợ của ông Kỳ rồi, nên mới phê bình xấu đẹp loạn lên như thế.

Tôi lờ đi không trả lời câu hỏi của cụ mà giả vờ bận thò tay vào túi lục kiếm cái gì. Tôi lôi ra tờ giấy năm chục ngàn tiền Hồ mới tinh( $4 US ) đưa biếu ông cụ uống café để gọi là phụ thêm tiền hưu bổng chết đói mà đảng và nhà nước ưu ái đền ơn cụ đã sinh Bắc may mà không tử Nam!

Cụ cầm tiền, liếc về phiá mấy ông già kia rồi bỏ vội vào túi, giọng đượm vẻ vui mừng lẫn cảm động

-«Ôi giời, hôm nay tôi trúng số rồi. Nói chơi vài câu với cậu mà có số tiền nhớn thế này. Tôi nói thật với cậu nhé, không phải vì cậu cho tiền tôi mới biết cậu là người từ nước ngoài về chứ không phải từ Sài Gòn ra như cậu nói đâu nhé, tôi nghi ngay từ đầu khi gặp cậu đấy»

Tôi hỏi sao ông biết, ông trả lời:

-« Này nhé, cậu ăn nói dạ thưa lễ phép, cao nhớn, nước da lại trắng thế kia thì tôi biết ngay cậu là Việt kiều.

Cám ơn cậu cho tiền nhé» .

Biết câu chuyện đến đây đã đủ, tôi cáo từ ông cụ để dọt… vì từ đàng xa, bà bán xôi đang bày thúng xôi bốc khói trông hấp dẫn «wá chời luôn».

 

Cali 

 

up

AcDieu
Google Search:       

Tin vui

Tin Buồn

Bài Củ

09-2014

08-2014

07-2014

06-2014

05-2014

04-2014

03-2014

02-2014

01-2014

RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao

TIME